Startup cần gì trước khi có nhu cầu gọi vốn

Chuẩn bị những tài liệu liên quan và chủ động gửi đến những nhà đầu tư nằm trong mục tiêu là cách giúp start-up có thể tối ưu hóa thời gian, gia tăng hiệu quả trong hoạt động gọi vốn.

6 tháng hoàn thành gọi vốn

Tuần trước, Coolmate (start-up cung cấp sản phẩm may mặc được sản xuất tại Việt Nam và bán trực tiếp đến người tiêu dùng cuối) công bố hoàn thành vòng pre-A với 500.000 USD. Sau thương vụ, Coolmate được định giá 5 triệu USD. Quỹ đầu tư tham gia vòng này của Coolmate là STIC – quỹ đầu tư lớn thứ 3 tại Hàn Quốc và cũng là nhà đầu tư vào Tiki Việt Nam từ giai đoạn đầu.

Nguyễn Hoài Xuân Lan, đồng sáng lập Coolmate cho biết, start-up này đã lên kế hoạch gọi vốn từ đầu năm nay và nhận được sự quan tâm từ 15 quỹ đầu tư. Trong đó, STIC là quỹ chủ động tiếp cận Coolmate. Từng đầu tư vào Tiki là một trong những yếu tố khiến STIC có thêm thiện cảm từ đội ngũ Coolmate. Hai bên bắt đầu thảo luận từ tháng 1/2021 và chốt thương vụ sau 6 tháng thực hiện các thủ tục liên quan, bất chấp những xáo trộn trên thị trường khi đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp.

“Ngoài việc Coolmate phải chủ động làm kiểm toán, STIC còn thuê một đơn vị độc lập làm thẩm định (DD). Việc DD kéo dài 2 tháng, với rất nhiều thủ tục, trong khi đội ngũ Coolmate thì mỏng, nên đây thực sự là thách thức với chúng tôi”, Xuân Lan chia sẻ và cho biết, để nhận được vốn đầu tư, Coolmate phải làm một số thủ tục pháp lý giữa công ty Việt Nam và công ty mẹ ở Singapore trong bối cảnh không đi lại được giữa hai nước.

Có ít nhất 2 điểm quan trọng thúc đẩy thương vụ giữa Coolmate và STIC. Đó là, STIC là quỹ đầu tư có chiến lược dài hạn, hỗ trợ liên tục start-up nếu cần thêm vốn, đây cũng chính là kỳ vọng của đội ngũ Coolmate lúc này. Bên cạnh đó, STIC đã đầu tư vào Tiki từ giai đoạn đầu xây dựng và Coolmate kỳ vọng, quỹ đầu tư này có không ít kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và có thể sử dụng phù hợp vào mô hình của Coolmate.

Chủ động tiếp cận nhà đầu tư

Thành lập tháng 2/2019, Coolmate ghi nhận doanh thu năm 2020 là 39 tỷ đồng và đặt kế hoạch đạt 139 tỷ đồng trong năm nay. Start-up này cũng nhận được vốn đầu tư vòng hạt giống (Seed Round) từ 500 Startups Việt Nam. Trước khi tiếp xúc nhiều quỹ đầu tư, theo kinh nghiệm của đội ngũ Coolmate, start-up cần chuẩn bị những tài liệu về công ty thật đẹp và rõ ràng, thông tin càng minh bạch càng tốt, đặc biệt cần tránh sai chính tả.

Start-up có thể chuẩn bị 2 bản tài liệu: một bản tóm tắt dùng để trình bày trực tiếp tầm 5 phút với nhà đầu tư và một bản đầy đủ để gửi kèm email sau khi hai bên có buổi thảo luận. “Khi trình bày, người đại diện cần rèn luyện sự trôi chảy, phải nắm được các số liệu về công ty một cách cụ thể, chính xác để khi nhà đầu tư hỏi là trả lời được ngay lập tức một cách tự tin”, Xuân Lan nói.

Đồng thời, theo đồng sáng lập Coolmate, start-up cần lập danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có số điện thoại, email những cá nhân phụ trách trong quỹ đầu tư. Sau đó, chủ động cập nhật thông tin hàng tháng với họ qua email. “Trung thực và minh bạch là điều quan trọng nhất để giữ quan hệ với nhà đầu tư dù là trước, trong hay sau khi thương vụ được thiết lập”, đồng sáng lập Coolmate chia sẻ.

Ở Quỹ đầu tư Genesia Ventures, bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures Việt Nam cho biết, họ coi trọng nhất mối quan hệ giao tiếp tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Sự tin tưởng là điều cần được cả hai bên thiết lập từ những ngày đầu tiên gặp nhau, nghĩa là cần sự thẳng thắn, thành thực, tôn trọng và đặt niềm tin vào tương lai của nhau. Những điều này cũng cần được duy trì xuyên suốt quá trình hậu đầu tư.

Theo bà Dung, sự tin tưởng rất đắt giá và có sức mạnh lớn. Một khi nhà sáng lập xây dựng được niềm tin lớn từ nhà đầu tư, thì ở những vòng đầu tư sau, họ sẽ rất nhanh chóng ra quyết định tiếp tục đầu tư hoặc tìm cách hỗ trợ gọi vốn từ các quỹ đầu tư thân cận.

Theo: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *