Startup và khởi nghiệp

Sự khác nhau giữa startup và khởi nghiệp

Chắc hẳn giữa nhiều người sẽ có sự phân vân nhất định khi nhắc đến các từ: lập nghiệp, khởi nghiệp hay startup. Nhất là những chàng trai quê nhưng thích ngồi lê thành phố thì câu nói: “nó lập nghiệp trong Sài Gòn” trở nên rất quen thuộc khi ai đó hỏi Ba Mẹ cậu ta là thằng nhỏ làm gì? Hôm nay Gsviec sẽ cùng mọi người tìm hiểu các thuật ngữ này.

Có nhiều người sẽ thắc mắc: Ủa? Thế khởi nghiệp với startup có khác gì mà cần phân biệt? Câu trả lời của chúng tôi là: chỉ khi bạn xác định được mô hình bạn chọn để đi theo thì bạn sẽ hoạch định được chiến lược phù hợp hơn cho sự nghiệp của mình.

Ở Việt Nam thì ngôn ngữ sẽ hơi khác với nước ngoài một chút vì bên nước ngoài thì thường dùng 2 từ SME và Startup. Còn Việt Nam thì từ khởi nghiệp sẽ là dạng chung chung.

1. Lập nghiệp:

“Con tôi lập nghiệp ở Hà Nội 12 năm nay rồi” – Mẹ cu Bi trả lời cho cô bạn 10 năm rồi mới gặp lại. Thế là từ lập nghiệp nó chung chung, bạn sẽ không thể hình dung ra lập nghiệp nó gồm những gì. Làm nhân viên cũng là lập nghiệp, mở một quán bún đậu Obama cũng là lập nghiệp và làm một dự án về trí tuệ nhân tạo cũng vậy hay đơn giản là freelancer.

Thế nên có thể hiểu nôm na lập nghiệp là một từ chung chung mà chúng mình hiểu là chọn một quê hương thứ 2, là xa xứ, xa quê để có một hành trình về cuộc đời.

Có thể là những chàng trai nhà quê (như mình) chọn thành phố để tìm một hành trình. Hoặc như cậu bạn thời đại học của mình (trai phố) lại thích đi dạy cho vùng sâu ở các tỉnh biên giới phía bắc.

2. Khởi nghiệp:

Bạn của Mẹ Bi hỏi tiếp:” Rồi nó lập công ty riêng chưa hay chỉ mới làm nhỏ lẻ?” Thế là câu hỏi lại đưa chúng ta đến phần tiếp theo: Khởi nghiệp. Khởi nghiệp có thể hiểu là bắt đầu sự nghiệp. Một chàng trai bỏ việc đi bán kem xôi dừa vỉa hè, một cô gái cũng mới xin nghỉ việc để lập một Công ty về làm dịch vụ thuế. Hay Bill Gates bỏ học Đại học để thành lập Microsoft, Jeff Bezos thành lập Amazon cũng có thể hiểu là khởi nghiệp nếu 2 ông ấy cũng ở Việt Nam.

Khởi nghiệp là từ chung chung khi bạn xác định được hướng đi trong hành trình của mình. Bạn có thể làm chủ được bản thân là điều cần thiết để khởi nghiệp (cá nhân mình nghĩ đây là điều cần thiết đầu tiên). Làm chủ bản thân không có nghĩa là bạn phải có nhiều tiền, nhiều mối quan hệ hay nhiều kỹ năng hơn. Làm chủ bản thân ở đây là bạn có thể cân bằng được mức độ công việc phù hợp nhất. Ngoài ra còn cần các yếu khác ví dụ như tâm huyết với nghiệp đó, định hướng phát triển…

Như nói ở trên, bạn bán hàng online nhỏ lẻ, kéo một xe kem vỉa hè hay thành lập một công ty là khởi nghiệp. Có người sẽ chưa đăng ký kinh doanh (điều này là điều tuyệt vời cho công đồng khởi nghiệp tại Việt Nam), hoặc đăng ký kinh doanh dạng hộ gia đình hoặc thành lập công ty. Đa phần các doanh nghiệp tại Việt Nam dạng nhỏ và vừa – SME ( Small and Medium Enterprise) hoặc siêu nhỏ – Microbusiness.

Như vậy, từ khởi nghiệp ở Việt Nam có thể hiểu là mình định hướng được đam mê, nghành nghề mình sẽ chọn và theo đuổi với ước mong làm chủ. Cho dù bạn đã thành lập doanh nghiệp hay chưa.

Thế mấy bạn chạy xe ôm có phải khởi nghiệp? Câu trả lời sẽ là: dựa vào định hướng phát triển. Rõ ràng bạn chạy xe ôm là bạn tự chủ, phân bổ công việc, tự làm cho mình… nhưng nếu chỉ chừng đó thì không gọi là khởi nghiệp. Còn nếu bạn định hướng chạy xe ôm rồi phát triển đội ngũ xe ôm dưới mình thì đó sẽ là khác.

Thế còn Bill Gates với Microsoft khác biệt thế nào với một công ty làm dịch vụ thiết kế phần mềm? Các bạn hãy đọc thêm về phần dưới nữa nhé.

3. Startup

Như đã nói ở phần 2, sẽ có nhiều người sẽ phân vân giữa từ Khởi nghiệp và startup có gì mà so sánh? Chúng ta sẽ đi làm rõ để mọi người hình dung rõ hơn.

a. Điểm giống:

  • Lựa chọn được nghành nghề, định hướng phát triển.
  • Đam mê, cố gắng theo đuổi nghiệp đó.
  • Bắt đầu nhỏ và dần dần mở rộng quy mô. Ví dụ như bạn thiết kế web dạo sau đó lập một SME làm dịch vụ thiết kế phần mềm – web; hoặc Bill Gates bắt đầu với cộng sự bằng một dự án và sau đó lập công ty và mở rộng.

b. Còn Startup là gì?

Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu cụ thể qua những định nghĩa dưới đây: Startup “là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn” – theo tác giả người Mỹ Eric Ries .

“Startup là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp không phải là hiển nhiên và dĩ nhiên không có gì đảm bảo thành công cả”, theo Neil Blumenthal – Đồng sáng lập và đồng CEO của Warby Parker.

Startup là một trạng thái tinh thần. Khi mọi người gia nhập công ty của bạn và đưa ra những quyết định cứng rắn thay vì chấp nhận sự ổn định để đổi lấy lời hứa tăng trưởng mạnh và sự phấn khích mang lại những thay đổi ngay lập tức”. – Adora Cheung – Đồng sáng lập và CEO của Homjoy.

Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và mới được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Có rất nhiều khái niệm về startup tuy nhiên ta có thể hiểu đơn giản hơn. Startup có những đặc trưng riêng biệt:

  • Dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu tú hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường.
  • Được phát triển nhanh chóng vượt bậc. Tăng trưởng tối đa về người dùng, thương hiệu.
  • Đề cao sự sáng tạo, cải tiến, thử nghiệm liên tục.

Nói tóm lại, startup là nhanh, nhanh và nhanh nhất có thể. Như vậy có thể thấy bạn freelancer ở trên sau đó lập Công ty thiết kế web là dạng khởi nghiệp kiểu SME (mô hình cũ, cần định hướng tăng trưởng cụ thể, cần sự ổn định nhất định) còn Bill Gates là Starup với Microsoft vì Window là phần mềm có tính đột phá trên tư duy mới, yêu cầu phát triển dự án cao nhất có thể.

Ngoài ra, về vấn đề tài chính thì khởi nghiệp kiểu SME là phải định hướng cụ thể, rõ ràng mục nào cần chi tiêu… trong chiến lược kinh doanh, sau có thể mở rộng ra thành công ty cổ phần. Còn Startup là đốt bất chấp, cho dù có kêu gọi được vốn hay vốn cá nhân cũng phải đốt với mục tiêu là tăng trưởng nhanh nhất có thể và mục tiêu dài hơn là từ startup thành company.

Qua những thông tin, Gsviec hi vọng hỗ trợ được các bạn vài thông tin để lựa chọn cho mình một mô hình kinh doanh để phát triển. Tại Việt Nam, khởi nghiệp doanh nghiệp SME tỉ lệ thành công là 20% trong 3 năm đầu còn startup là dưới 5%. Nhưng đôi khi sống với những điều bất ổn nhiều bạn cũng sẽ có một sự thích thú nhất định. À, mà mình đùa đấy.

Là một founder của startup với ước vọng thành startup kỳ lân hay founder của một doanh nghiệp khởi nghiệp hay một nhân viên cần mẫn thì mục đích cuối cũng là mang đến những lợi ích cho xã hội. Chúc mọi người vững bước trên hành trình mà bản thân đã chọn.

Ảnh: Sưu tầm

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top